Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính

dua luoi-trong-nha-kinh
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Hòn Đất có 02 hộ thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, dù mô hình chưa phổ biến và nhân rộng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ mô hình đem lại khá cao, sản phẩm lại an toàn cho người sử dụng. Một trong số đó là mô hình canh tác dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Trần Quốc Toàn, khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

       Sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, ông Toàn bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mà ông vốn đam mê và đã nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng tại các địa phương, trên báo, trên mạng internet,…

Ông Toàn mạnh dạn đầu tư khoảng 350 triệu đồng nguồn vốn cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống… trên diện tích 1.000m2 với khoảng 2.500 dây dưa lưới. Sau khi hạt dưa lưới được gieo từ 7 – 10 ngày, đã dần xuất hiện lá thứ 2, ông tiến hành tập trung chăm sóc. Ông Toàn cho biết, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới là khoảng 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 “vụ” mỗi năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết.

dua luoi-trong-nha-kinh
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của ông Toàn phát triển tốt

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của ông Toàn phát triển tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trên 1 tấn trái, trọng lượng từ 1,2 – 1,6 ký mỗi trái, với giá bán lẻ cho những hộ xung quanh khoảng 40.000 đồng/kg, cân cho thương lái khoảng 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 45 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của ông Toàn có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, ông luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Ông Toàn chia sẻ: Đối với ông trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nếu kiên trì, bền bỉ, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, ông còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm kinh nghiệm ở địa phương khác, trên báo, dài và internet những tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trồng dưa lưới của ông Toàn luôn tuân thủ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, ngâm ủ, bầu cây, trồng cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của ông Toàn còn góp phần tạo việc làm cho 2 lao động nông thôn tham gia các công việc hàng ngày tại các nhà màng với mức thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Trần Quốc Toàn đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trả lời